Trong số các dạng bài IELTS Reading, dạng bài Matching Paragraph Information là một trong những dạng bài xuất hiện khá phổ biến và cũng là một dạng bài khá khó. Dạng bài này đòi hỏi thí sinh phải vừa xác định vị trí của thông tin trong bài, vừa đối chiếu thông tin trong bài đọc và thông tin được paraphrased trong câu hỏi.
Vậy thì, để có thể đạt điểm tối đa cho dạng bài này thì bạn cần phải làm gì? Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu về dạng bài Matching Paragraph Information, đưa ra các bước làm bài rõ ràng, cũng như là một số mẹo và lưu ý khi làm dạng bài này.
Nội dung quan trọng |
– Dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading xuất hiện khá phổ biến trong bài thi và là một dạng bài khá khó. – Các bước làm dạng bài Matching Paragraph Information bao gồm: + Đọc kỹ đề + Đọc nhanh các câu hỏi + Skim bài đọc, biết ý chính + Quay lại các câu hỏi, chọn câu dễ làm trước + Gạch chân từ khóa trong câu hỏi được chọn + Scan bài đọc tìm đoạn chứa từ khóa + Đọc kỹ đoạn được tìm thấy, đối chiếu thông tin – Một số mẹo và lưu ý khi làm dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading |
1. Tổng quan về dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading
Dạng bài Matching Paragraph Information trong bài thi IELTS Reading là dạng bài yêu cầu thí sinh phải ghép nối các thông tin cụ thể trong câu hỏi với đoạn văn có nói về thông tin đó trong bài đọc.
Dạng bài này được thiết kế để kiểm tra những kỹ năng sau của bạn:
- Kỹ năng skimming để đọc tìm kiếm ý chính của bài đọc
- Kỹ năng scanning để tìm thông tin cụ thể
- Đọc kỹ để tìm câu trả lời
- Nhận diện được từ đồng nghĩa và paraphrasing
Loại thông tin trong câu hỏi mà bạn phải ghép nối khá đa dạng. Bạn có thể được yêu cầu ghép nối các loại thông tin sau:
- Facts (một sự thật về cái gì đó)
- Description (miêu tả một sự vật, sự việc)
- Opinion (quan điểm, ý kiến về một cái gì đó)
- Prediction (dự đoán)
- Definition (định nghĩa)
- Explanation (giải thích một khái niệm, một sự vật)
- Reasons (lý do)
- Challenges (thử thách)
Dưới đây là một ví dụ đề bài của dạng bài Matching Paragraph Information:
2. Các bước làm dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading
Matching Paragraph Information là một dạng bài khá khó đối với nhiều bạn, nhưng với những bước làm bài dưới đây, mình tin rằng bạn cũng sẽ có thể đạt được điểm cao ở dạng bài này.
2.1. Bước 1: Đọc kỹ hướng dẫn đề bài
Trước khi bạn bắt đầu đọc các câu hỏi, đối với dạng bài này cũng như là các dạng bài khác trong bài thi IELTS Reading, hãy đọc kỹ đề, và các hướng dẫn. Ví dụ ở bài trên, đề bài yêu cầu bạn phải “Write the correct letter. A-I in boxes 1 – 3 on your answer sheet” thì đáp án bạn điền phải là các chữ cái từ A-I, không được viết cái gì khác.
2.2. Bước 2: Đọc nhanh các câu hỏi
Sau khi bạn đã hiểu rõ là bạn được điền cái gì vào phần điền đáp án, thì chúng ta bắt đầu làm bài. Bạn sẽ đọc nhanh các câu hỏi được cho, và tìm ý chính của từng câu. Bạn có thể ghi lại những ý chính này ở kế bên các câu hỏi để bạn dễ theo dõi khi ghép nối.
Điều quan trọng ở bước này là bạn hiểu được câu hỏi nói về thông tin gì, yêu cầu ở bạn cái gì, trước khi quan tâm tới từ khóa hay điều gì khác.
2.3. Bước 3: Skim bài đọc và các đoạn để biết ý chính của bài và từng đoạn
Sau đó, bạn sẽ qua bài đọc, và sử dụng kỹ năng skimming để đọc nhanh qua bài đọc. Mục đích của bước này là để bạn biết được chủ đề chính của toàn bộ bài đọc, và các ý chính của từng đoạn văn.
Ở bước này, mình gợi ý cách skim dễ và hiệu quả hơn cho bạn, đó là: Để biết chủ đề chính của bài đọc, bạn sẽ đọc hiểu đoạn đầu tiên và cuối cùng của bài đọc. Để biết ý chính của từng đoạn văn, bạn sẽ đọc hiểu câu mở đầu đoạn và câu kết đoạn. Những chi tiết này thường giới thiệu và kết luận (thường là nhắc lại) chủ đề của bài đọc và đoạn văn.
Bạn cũng nên ghi lại các ý chính của từng đoạn ở kế bên để có thể dễ theo dõi và dễ đối chiếu hơn.
2.4. Bước 4: Quay lại đọc kỹ các câu hỏi, chọn câu dễ nhất làm trước
Sau khi bạn đã skim xong bài đọc, bạn quay lại các câu hỏi được cho, đọc kỹ rồi chọn câu dễ nhất để làm trước. Vì thứ tự đáp án (đoạn văn) không theo thứ tự của các câu hỏi, việc bạn làm câu nào trước sẽ không ảnh hưởng tới tốc độ làm bài hay độ hiểu câu hỏi/ bài đọc của bạn, nên là bạn cứ chọn câu dễ nhất để làm trước.
Để có thể biết câu hỏi nào dễ để làm, mình có các tiêu chí sau:
- Câu hỏi có chứa tên riêng, số, nơi chốn, hoặc ngày tháng: Những yếu tố này là những từ khóa rất khó/ hầu như là không thể thay đổi, nên là bạn chắc chắn sẽ tìm thấy những từ khóa này trong bài đọc. Điều này có nghĩa là các chi tiết trong các loại câu hỏi này sẽ rất dễ tìm thấy bằng cách scan bài đọc tìm từ khóa.
- Ghi chú ý chính của đoạn văn khớp với ý chính của câu hỏi mà bạn đã ghi lại ở bước 2: Nếu hai ghi chú này khớp với nhau, thì bạn đã có một đoạn văn tiềm năng, và đó là đoạn đầu tiên bạn nên xem xét kỹ.
2.5. Bước 5: Gạch chân từ khóa trong câu hỏi được chọn
Khi bạn đã chọn được câu mà bạn thấy dễ làm nhất, bạn sẽ tiến hành gạch chân các từ khóa trong câu hỏi này. Bạn nên lưu ý các loại từ khóa sau:
- Từ khóa khó thay đổi: gồm những yếu tố mà mình đã nhắc tới ở bước 4 như tên riêng, số, nơi chốn, ngày tháng. Những từ khóa này rất khó thay thế, nên là chúng không bao giờ được thay thế trong bài đọc. Vì vậy, bạn nên ưu tiên xác định các từ khóa này để tìm vị trí thông tin.
- Từ khóa dễ thay đổi: gồm các danh từ chung. Loại từ khóa này dễ thay đổi, và thường xuyên được thay thế bằng các từ đồng nghĩa, hoặc một cách diễn đạt khác trong bài đọc. Đối với loại từ khóa này, bạn nên ưu tiên hiểu ý nghĩa của chúng, và sử dụng chúng để định vị thông tin nếu câu hỏi không có từ khóa khó thay đổi.
- Các động từ và tính từ: trong trường hợp câu hỏi không có từ khóa khó thay đổi và dễ thay đổi, bạn sẽ sử dụng các động từ và tính từ như các từ khóa. Những từ khóa này cũng thường xuyên được thay thế bằng các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác trong bài đọc. Cũng như trên, đối với loại từ khóa này, bạn nên ưu tiên hiểu ý nghĩa của chúng.
Đối với các loại từ khóa dễ thay đổi, bạn có thể nghĩ tới các trường hợp đồng nghĩa với các từ khóa này sau khi bạn đã gạch chân chúng xong.
2.6. Bước 6: Scan bài đọc tìm đoạn chứa từ khóa
Sau khi bạn đã có các từ khóa (hoặc ý nghĩa của chúng) mà bạn cần, bạn sẽ quay lại bài đọc và sử dụng kỹ năng scanning để scan bài đọc tìm các từ khóa này.
Bạn hãy nhớ rằng: nếu bạn có từ khóa khó thay đổi, thì bạn chỉ cần scan để tìm các từ khóa đó thôi, còn nếu bạn có từ khóa dễ thay đổi, bạn sẽ phải lưu ý tìm thêm các từ đồng nghĩa, hoặc các cách diễn đạt khác của từ khóa đó.
2.7. Bước 7: Đọc kỹ đoạn được tìm thấy, đối chiếu thông tin với câu hỏi
Khi bạn đã tìm thấy đoạn có chứa các từ khóa, bạn sẽ tiến hành đọc kỹ đoạn mà bạn đã tìm thấy. Mục đích là bạn phải hiểu được ý nghĩa và thông tin của đoạn này, rồi đối chiếu thông tin của đoạn với thông tin trong câu hỏi.
Trong trường hợp mà bạn chắc chắn thông tin ở đoạn văn và câu hỏi khớp nhau, thì bạn điền đáp án liền. Nếu thông tin không khớp thì bạn quay lại bước 6.
Bạn sẽ lặp lại các bước này với các câu hỏi tiếp theo.
Xem thêm:
- Tip xử lý dạng bài True/ False/ Not Given IELTS Reading cực hay
- Cách xử lý dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading
- Mách bạn cách làm dạng bài Multiple Choice IELTS Reading cực hay
- Hướng dẫn cách làm dạng bài Summary Completion IELTS Reading
- Hướng dẫn cách làm dạng bài Matching Headings IELTS Reading
- Hướng dẫn tips làm dạng bài Choosing a Title IELTS Reading
- Hướng dẫn xử lý dạng bài Matching Name IELTS Reading
3. Một số mẹo và lưu ý khi làm dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading
- Đáp án không theo thứ tự câu hỏi: Vị trí thông tin mà bạn cần tìm để trả lời câu hỏi sẽ không xuất hiện theo thứ tự của câu hỏi, và không theo bất cứ quy luật thứ tự nào.
- Một đoạn văn có thể không chứa thông tin để trả lời bất kỳ câu hỏi nào, hoặc đoạn đó có thể chứa thông tin để trả lời nhiều câu hỏi
- Làm những dạng bài khác của bài đọc trước: Mỗi bài đọc sẽ có nhiều dạng bài đi chung với nó. Nếu bạn làm những dạng khác trước, và để dành dạng Matching Information làm cuối cùng, bạn sẽ có một cái nhìn toàn vẹn và hiểu rõ bài đọc khi làm tới dạng bài này. Việc này giúp bạn làm dạng bài này một cách nhanh hơn và dễ dàng hơn.
- Mong chờ từ đồng nghĩa và paraphrasing: Bạn không nên mong chờ việc tìm các từ khóa giống y chang nhau giữa bài đọc và câu hỏi. Bạn cũng nên đặc biệt lưu ý những thông tin có thể được diễn tả bằng số hoặc những ký tự như:
- ½: a half
- 15o: 15 degrees
- 70%: 70 per cent
- Làm câu dễ trước: Những câu dễ sẽ thường có những từ khóa khó thay đổi như tên riêng, số, địa điểm, ngày tháng. Bạn nên làm những câu này trước vì nếu bạn không còn nhiều thời gian và buộc phải làm tiếp các dạng bài khác, thì ít nhất bạn đã lấy được điểm dễ lấy nhất thay vì phí thêm thời gian làm câu khó.
- Đáp án không nhất thiết sẽ là ý chính của đoạn văn như trong dạng bài Matching Headings. Trong dạng bài Matching Paragraph Information, bạn sẽ phải tìm thông tin cụ thể trong đoạn.
- Thông thường, bạn sẽ tìm thấy thông tin trùng khớp trong một câu hoặc một cụm từ, không phải ở từng từ riêng lẻ.
4. Kết luận
Qua bài viết này, mình đã giới thiệu với bạn tổng quan về dạng bài Matching Paragraph Information IELTS Reading, các bước làm bài cũng như là một số mẹo và lưu ý để làm tốt các bài dạng này. Mình hy vọng là bạn sẽ thấy những thông tin trong bài viết này hữu ích cho việc ôn luyện và thi IELTS của bạn. Bạn hãy nhớ luyện tập thường xuyên để có thể làm tốt dạng này nha.
Ngoài ra, nếu bạn muốn biết thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Reading hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.
Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!
Tài liệu tham khảo:
- IELTS Reading: Matching Paragraph Information: https://www.ieltsjacky.com/ielts-reading-matching-paragraph-information.html – Truy cập ngày 14/10/2024
- Matching Paragraph Information: IELTS Reading Exercise: https://ieltsliz.com/matching-paragraph-information-ielts-reading/ – Truy cập ngày 14/10/2024