Khi bạn đi thi IELTS Reading, hoặc đang ôn luyện thi, bạn có thể sẽ thấy trong bài thi Reading nhưng lại có những cái hình hoặc sơ đồ lạ, bạn nghĩ rằng sự xuất hiện của những hình này có vẻ không đúng chỗ lắm, và rồi có nhiều trường hợp bạn lo lắng. Nhưng bạn đừng lo, đây là dạng bài Diagram Completion, một dạng bài không thường xuất hiện trong bài thi IELTS Reading, nhưng cũng không quá khó.
Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu tổng quan về dạng bài Diagram Completion IELTS Reading, chiến lược làm dạng bài này, một số vấn đề thường gặp cũng như là một số tips để bạn có thể xử lý dạng bài này một cách hiệu quả và đạt được điểm tối đa.
Nội dung quan trọng |
– Diagram Completion trong IELTS Reading là gì? + Yêu cầu thí sinh điền hoặc dán nhãn các sơ đồ dựa trên thông tin từ bài đọc. + Các sơ đồ có thể mô tả chu trình kỹ thuật, hiện tượng tự nhiên, quy trình, hoặc thiết kế. + Kiểm tra khả năng đọc hiểu sơ đồ, tìm thông tin nhanh (scanning), nhận diện từ đồng nghĩa, và đọc hiểu chi tiết. – Cách làm bài Diagram Completion: + Bước 1: Đọc kỹ đề bài để hiểu yêu cầu và giới hạn số từ được điền. + Bước 2: Quan sát kỹ sơ đồ để nắm chủ đề chính hoặc nội dung tổng quan. + Bước 3: Gạch chân các từ khóa và nghĩ đến từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác. + Bước 4: Dùng kỹ năng scanning để tìm đoạn văn chứa từ khóa hoặc ý liên quan. + Bước 5: Đọc kỹ đoạn văn chứa từ khóa và đối chiếu với sơ đồ để tìm đáp án. + Bước 6: Kiểm tra lại chính tả, số từ, và tính phù hợp của đáp án trước khi nộp. – Các vấn đề thường gặp và cách giải quyết: + Vấn đề 1: Quá tập trung vào từng chi tiết nhỏ trong sơ đồ → Giải pháp: Chỉ cần hiểu bài đọc và sử dụng thông tin để điền đáp án. + Vấn đề 2: Cố đọc hiểu toàn bộ bài đọc → Giải pháp: Chỉ đọc kỹ đoạn văn chứa từ khóa. + Vấn đề 3: Lỗi chính tả hoặc vượt quá giới hạn từ dẫn đến mất điểm → Giải pháp: Kiểm tra kỹ đáp án sau khi điền. – Tips để đạt điểm tối đa; + Tip 1: Bài Diagram Completion không quá khó nếu làm đúng theo chiến lược. + Tip 2: Không cần kiến thức chuyên môn, chỉ cần đọc hiểu bài đọc là đủ. + Tip 3: Tận dụng gợi ý trong sơ đồ như số, nhãn, hoặc từ đã điền để tìm đáp án. + Tip 4: Hiểu qua sơ đồ trước khi đọc bài đọc. + Tip 5: Ưu tiên tìm đáp án dễ trước, quay lại câu khó nếu còn thời gian. + Tip 6: Nếu không chắc chắn, đoán đáp án thay vì để trống vì không bị trừ điểm cho đáp án sai. |
1. Diagram Completion IELTS Reading là gì?
Trước khi mình nói về dạng bài Diagram Completion, mình sẽ định nghĩa về một cái diagram là gì trước.
Diagram là sơ đồ, được sử dụng để diễn tả một khái niệm mà việc diễn giải bằng từ ngữ gây khó hiểu cho người đọc. Nói cách khác, khi bạn đọc một khái niệm gì đó mà bạn chỉ thấy chữ, khiến bạn không hiểu được khái niệm, thì người viết sử dụng sơ đồ để cho bạn dễ hình dung và dễ hiểu khái niệm này hơn.
Trong bài thi IELTS Reading, dạng bài Diagram Completion sẽ yêu cầu bạn điền vào (có thể nói là dán nhãn) các Diagram (sơ đồ) dựa trên thông tin mà bài đọc cung cấp.
Các diagram này có thể là các sơ đồ diễn tả một chu trình kỹ thuật, giải thích cho hiện tượng tự nhiên, một sơ đồ quy trình, hoặc một thiết kế của bất cứ thứ gì. Đề bài có thể sẽ yêu cầu bạn điền vào chỗ trống trong các nhãn, các câu, từ, sử dụng từ vựng có trong bài đọc, hoặc trong một số trường hợp, những từ đồng nghĩa với chúng trong một bảng.
Một ví dụ của dạng bài Diagram Completion IELTS Reading là như sau:
Dạng bài Diagram Completion IELTS Reading được thiết kế nhằm đánh giá các kỹ năng sau của thí sinh:
- Hiểu được sơ đồ
- Kỹ năng scanning tìm thông tin cụ thể
- Nhận diện từ đồng nghĩa và paraphrasing
- Đọc hiểu chi tiết
2. Cách làm dạng bài Diagram Completion
Đây là dạng bài mà theo mình đánh giá là không dễ, nhưng không khó, chỉ cần bạn có chiến lược làm bài hiệu quả là được điểm tối đa cho dạng bài này.
Dưới đây là chiến lược làm bài được chia ra thành từng bước cho bạn dễ hình dung.
2.1. Bước 1: Đọc kỹ đề bài
Đối với dạng bài Diagram Completion, cũng như là các dạng Completion nói chung, bước đầu tiên khi tiếp cận và xử lý dạng bài này là đọc kỹ đề bài. Việc đọc kỹ đề bài sẽ giúp bạn tránh những sai lầm không đáng có như là viết dư số từ được quy định.
Ở bước này, bạn sẽ đọc kỹ và cố gắng hiểu đề bài muốn bạn làm gì và cho phép bạn làm gì. Nếu đề bài yêu cầu bạn chọn từ ngữ trong bài đọc để điền vào các sơ đồ, thì bạn phải lưu ý số từ tối đa mà bạn được phép điền vào chỗ trống.
Nếu đề bài không yêu cầu bạn chọn từ có trong bài đọc, thì thường đề sẽ cho bạn một bảng (hoặc danh sách) chứa các lựa chọn từ để bạn điền vào chỗ trống.
Do đó, bạn cần phải đọc kỹ đề bài để có thể biết được đề bài yêu cầu cái gì để bạn làm cho đúng.
2.2. Bước 2: Nghiên cứu sơ đồ
Sau khi bạn đã hiểu được đề bài muốn bạn làm gì, bước tiếp theo là bạn nhìn kỹ sơ đồ được cho. Trong bước này, bạn sẽ cố gắng tìm những gợi ý chỉ tới chủ đề chính của sơ đồ, hay nói cách khác, biết được sơ đồ này đang nói về khái niệm gì.
Trong trường hợp mà bạn gặp sơ đồ thuộc chủ đề nào đó mà bạn quen thuộc hoặc hiểu rõ, bạn có thể sử dụng kiến thức của bạn về chủ đề cụ thể này để dự đoán trước nội dung của từng yếu tố, nhưng bạn đừng dựa vào việc này quá.
Trong trường hợp bạn gặp sơ đồ lạ, thì bạn đừng sử dụng kiến thức của bạn, và cũng đừng có lo lắng, bạn tiếp tục tới bước tiếp theo.
2.2. Bước 3: Gạch chân các từ khóa trong sơ đồ
Bước tiếp theo trong chiến lược làm bài này là gạch chân từ khóa trong sơ đồ. Khi gạch chân, bạn nên nghĩ ra những từ đồng nghĩa và các cách paraphrasing của từng từ khóa một.
2.3. Bước 4: Scan bài đọc để tìm vị trí của từ khóa trong bài đọc
Khi bạn đã có các từ khóa, bạn sẽ scan bài đọc để tìm vị trí của các từ khóa này. Các từ khóa trong bài đọc sẽ nằm rất gần với thông tin chứa đáp án. Nên việc scan bài đọc và tìm chính xác vị trí của từ khóa là khá quan trọng.
Bạn phải lưu ý rằng, bạn không nên tìm chính xác từ khóa, mà bạn tìm các câu từ có ý nghĩa giống với ý nghĩa của từ khóa. Bài thi IELTS sử dụng rất nhiều từ đồng nghĩa và paraphrasing để diễn đạt cùng một ý, nên việc bạn mong chờ tìm được các từ khóa trong bài đọc giống y chang với các từ khóa trong sơ đồ sẽ làm cho bạn tốn thời gian quý giá.
2.4. Bước 5: Đọc kỹ đoạn văn chứa các từ khóa, đối chiếu với sơ đồ
Một khi bạn tìm được vị trí của các từ khóa, bạn cũng đã tìm được đoạn văn chứa từ khóa. Như mình đã nói ở bước 4, đoạn văn chứa từ khóa cũng sẽ là đoạn văn chứa thông tin đáp án.
Bạn sẽ đọc kỹ đoạn văn chứa thông tin đáp án này và hiểu được đoạn văn, hiểu ý chính của đoạn và hiểu được các chi tiết trong đoạn. Sau đó, bạn sẽ đối chiếu thông tin trong bài đọc với thông tin trong sơ đồ. Nếu bạn thấy thông tin trong bài đọc trùng khớp với thông tin trong sơ đồ, thì bạn sẽ tìm được đáp án gần như ngay lập tức.
2.5. Bước 6: Điền đáp án và kiểm tra lại
Sau khi bạn tìm được đáp án, bạn sẽ điền đáp án đó vào trong chỗ trống trong sơ đồ. Khi điền hoặc chọn đáp án xong, bạn phải kiểm tra lại xem có đúng theo yêu cầu đề bài hay chưa, đúng chính tả hay chưa, và phù hợp với sơ đồ hay chưa.
3. Những vấn đề thường gặp bạn cần tránh trong lúc làm bài dạng Diagram Completion
Tất cả các dạng bài trong bài thi IELTS Reading, cho dù khó hay dễ, đều có một số vấn đề, thử thách cho thí sinh.
Vậy nên, dưới đây là một số vấn đề mà thí sinh thường gặp khi xử lý dạng bài Diagram Completion IELTS Reading:
- Vấn đề mà mình thường thấy thí sinh gặp là các bạn cố gắng hiểu được từng chi tiết nhỏ của sơ đồ và tập trung quá mức vào nó. Nếu bạn gặp sơ đồ thuộc chủ đề bạn biết thì không sao, nhưng nếu sơ đồ này bạn không biết, không quen thuộc, việc cố gắng hiểu được từng chi tiết nhỏ trong sơ đồ có khả năng khiến bạn lo lắng và làm phí thời gian của bạn.
Cách giải quyết: Bạn phải nhớ rằng, bài thi IELTS Reading là bài thi kiểm tra khả năng đọc hiểu là chính, không phải là bài thi kiểm tra kiến thức chuyên môn, nên bạn không cần phải hiểu từng chi tiết trong sơ đồ, bạn chỉ cần hiểu được bài đọc và sử dụng thông tin trong bài đọc để hoàn thiện sơ đồ.
- Một vấn đề thường gặp khác là các thí sinh cố gắng đọc hiểu từng câu từng chữ trong toàn bộ bài đọc. Việc này rất tốn thời gian, và đối với các bạn chưa quen với việc đọc hiểu bằng tiếng Anh sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn nữa, nhưng không đem lại lợi ích đáng kể.
Cách giải quyết: Bạn đánh dấu từ khóa trong sơ đồ, nghĩ ra 2 hoặc 3 từ đồng nghĩa với từ khóa đó, rồi quét qua bài đọc tìm vị trí của từ khóa, rồi bạn chỉ cần đọc kỹ đoạn đó là tìm được đáp án.
- Cho dù trong bài thi IELTS không có việc trừ điểm bạn nếu bạn điền đáp án sai, nhưng bài thi sẽ không cho điểm bạn với đáp án sai. Nếu bạn điền đáp án sai chính tả trong dạng bài này, bạn sẽ không được tính điểm, cho dù thông tin bạn điền là đúng.
Cách giải quyết: Bạn cần phải kiểm tra lại sau khi điền đáp án, kiểm tra chính tả, số từ trong đáp án, cũng như là độ phù hợp của thông tin.
Xem thêm:
- Hướng dẫn tips làm dạng bài Choosing a Title IELTS Reading
- Hướng dẫn xử lý dạng bài Matching Name IELTS Reading
- Hướng dẫn làm bài dạng Matching Paragraph Information IELTS Reading
4. Tips để bạn đạt điểm tối đa cho dạng bài Diagram Completion IELTS Reading
- Tip số 1: Dạng bài Diagram Completion không khó như bạn nghĩ. Nếu bạn sử dụng chiến lược từng bước mà mình đã giới thiệu ở trên, bạn sẽ xử lý được nó.
- Tip số 2: Bạn đừng lo lắng nếu như bạn thấy sơ đồ quá phức tạp. Sơ đồ chỉ là một cách diễn giải thông tin khác, thay vì sử dụng câu từ không, thì sơ đồ kết hợp hình vẽ và câu từ để rút ngắn số lượng câu từ để diễn giải thông tin đó.
Bạn không cần phải có kiến thức về chủ đề của sơ đồ để hoàn thiện nó (nếu bạn có thì tốt). Mình xin nhắc lại, đây là bài thi nhằm kiểm tra khả năng đọc hiểu của bạn, không phải kiểm tra kiến thức kỹ thuật hay kiến thức chuyên môn. - Tip số 3: Bạn nên sử dụng những gợi ý có trong sơ đồ để giúp bạn hiểu được sơ đồ này. Những gợi ý này có thể là:
- Số
- Một số từ có sẵn
- Một nhãn (hoặc chi tiết) đã được hoàn chỉnh
Mỗi gợi ý này sẽ cho bạn thông tin quan trọng liên quan tới chủ đề, và thường sẽ dẫn bạn tới đáp án.
- Tip số 4: Bạn nên cố gắng hiểu sơ qua biểu đồ trước khi đọc bài đọc.
- Tip số 5: Sử dụng kỹ năng scanning để tìm từ khóa trong bài đọc, từ đó bạn sẽ định vị được đoạn văn chứa đáp án. Sau đó, bạn sẽ đọc hiểu từng chi tiết trong đoạn để tìm ra từ (hoặc các từ) cần để điền vào chỗ trống.
- Tip số 6: Nếu bạn cảm thấy một chỗ trống quá khó, hãy làm câu khác. Bạn nên ưu tiên lấy điểm dễ trước, rồi quay lại tìm đáp án sau nếu còn thời gian.
Nếu bạn không tìm được đáp án, và còn quá ít thời gian, bạn hãy dựa vào những thông tin có sẵn, rồi đoán đáp án. Nếu bạn đoán đúng thì được điểm, nếu không đúng thì bạn không bị trừ điểm. Đừng bao giờ để trống đáp án.
5. Kết luận
Dạng bài Diagram Completion IELTS Reading là dạng bài tương đối không phổ biến trong bài thi IELTS, và có độ khó trung bình. Nên là, nếu bạn có chiến lược làm bài rõ ràng, cũng như biết được các vấn đề thường gặp và cách giải quyết chúng, bạn sẽ làm được dạng bài này một cách hiệu quả và lấy được điểm tối đa.
Ngoài ra, nếu bạn muốn biết thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Reading hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.
Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!
Tài liệu tham khảo:
- IELTS Reading Diagram Completion with Tips & Practice Tests: https://ieltsmaterial.com/diagram-completion-ielts-reading/ – Truy cập ngày 22/10/2024.
- IELTS Reading Diagram Completion Question: https://edubenchmark.com/blog/ielts-reading-diagram-completion-question/ – Truy cập ngày 22/10/2024.
- IELTS Reading Diagram Labelling Questions: https://www.ieltsjacky.com/ielts-reading-diagram-labelling.html – Truy cập ngày 22/10/2024.