Cách xử lý dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading

Update on

Dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading là dạng bài xuất hiện khá thường xuyên trong bài thi Reading. Dạng này, theo kinh nghiệm cá nhân của mình, là dạng bài tuy mới nhìn thì hơi nhiều thông tin nhưng thực ra khá dễ. Cho dù vậy, bạn cũng nên hiểu rõ về dạng bài này để có thể đạt điểm tối đa nha.

Trong bài viết này, mình sẽ giới thiệu cho bạn dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading, cách làm dạng bài này, cũng như là một số mẹo và lưu ý khi bạn gặp dạng này lúc ôn thi hoặc thi thật.

Nội dung quan trọng
– Table/ Flowchart Completion là dạng bài phổ biến trong bài thi IELTS Reading, khá dễ.
– Table Completion và Flowchart Completion chỉ khác nhau về mặt hình thức và cách trình bày thông tin, cách làm hai dạng này giống nhau.
– Các bước làm dạng Table/ Flowchart Completion bao gồm 6 bước:
+ Đọc kỹ hướng dẫn đề.
+ Đọc lướt qua bảng/ sơ đồ để biết chủ đề của bảng/ sơ đồ.
+ Đánh dấu từ khóa trong bảng và xác định loại từ cần điền.
+ Skim bài đọc để hiểu ngữ cảnh và kiếm đoạn văn chứa đáp án dựa trên từ khóa đã gạch chân.
+ Scan đoạn văn chứa đáp án dựa trên từ khóa để tìm câu trả lời.
+ Kiểm tra lại đáp án đã điền.
– Có 3 lưu ý khi làm dạng bài Table/ Flowchart Completion:
+ Bạn chỉ được phép sử dụng từ ngữ có trong bài đọc để điền vào chỗ trống.
+ Đừng dành hết thời gian cho một dạng bài.
+ Chú ý tới các từ đồng nghĩa và paraphrasing.
– Ngoài ra, mình có 3 mẹo để bạn làm tốt Table/ Flowchart Completion:
+ Đọc xung quanh từ khóa trong đoạn văn.
+ Mẹo cho kỹ năng skimming.
+ Đừng cố tìm kiếm từ giống nhau trong bảng/ sơ đồ và trong bài đọc.

1. Table/ Flowchart Completion IELTS Reading là gì?

Table/ Flowchart Completion là hai dạng bài thường gặp trong bài thi IELTS Reading. Hai dạng bài này bản chất giống nhau, là đều yêu cầu bạn phải điền vào chỗ trống. Theo kinh nghiệm của mình, thông tin để hoàn thành hai dạng này sẽ thường nằm gọn trong một đoạn văn, thay vì bị rải đều trong tất cả các đoạn trong bài đọc.

Dưới đây mình sẽ phân biệt giữa Table Completion và Flowchart Completion. Khác biệt giữa hai dạng này cơ bản chỉ là về mặt hình thức và cách trình bày thông tin.

1.1. Table Completion

Trong dạng này, đề sẽ cho bạn một bảng có một số chỗ trống. Nhiệm vụ của bạn là đọc hiểu thông tin trong bài đọc rồi hoàn thành bảng.

Mình có ví dụ dạng bài Table Completion như sau:

Ví dụ một bài Table Completion IELTS Reading
Ví dụ một bài Table Completion IELTS Reading

1.2. Flowchart Completion

Đối với dạng này, bạn sẽ được cho một sơ đồ quy trình có chỗ trống. Bạn sẽ phải đọc hiểu bài đọc, rồi sử dụng thông tin được lấy trong bài đọc để hoàn thành quy trình.

Mình có ví dụ dạng bài Flowchart Completion như sau:

Ví dụ một bài Flowchart Completion IELTS Reading
Ví dụ một bài Flowchart Completion IELTS Reading

2. Các bước xử lý dạng Table/ Flowchart Completion IELTS Reading

Như mình đã nói tới ở trên, sự khác biệt giữa hai dạng này chỉ là về mặt trình bày thông tin. Đối với dạng Flowchart, mỗi Flowchart sẽ có cách trình bày khác nhau. Tuy nhiên, cách làm hai dạng này là giống nhau.

Các bước xử lý dạng Table/ Flowchart Completion IELTS Reading
Các bước xử lý dạng Table/ Flowchart Completion IELTS Reading

2.1. Bước 1: Đọc kỹ hướng dẫn của đề bài

Trước khi bạn bắt đầu đọc bài đọc để tìm thông tin điền vào bảng, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn của đề bài trước. Bạn đặc biệt lưu ý số lượng từ tối đa mà đề cho phép bạn điền. Ví dụ:

Choose NO MORE THAN TWO WORDS from the passage for each answer

Trong trường hợp này, đề yêu cầu bạn chọn tối đa hai từ trong bài đọc để điền vào chỗ trống. Nếu bạn điền quá hai từ, câu trả lời của bạn sẽ không có điểm, cho dù bạn có trả lời đúng ý. Bạn nên chú ý chỗ này để tránh mất điểm một cách vô lý nha.

2.2. Bước 2: Đọc lướt qua bảng/ sơ đồ để biết chủ đề của bảng/ sơ đồ

Sau khi bạn đã ghi nhớ số lượng từ tối đa được phép điền, giờ bạn sẽ bắt đầu đọc tới bảng/ sơ đồ mà đề cho. Mục đích ở đây là để bạn có thể hiểu được bảng/ sơ đồ này đang cung cấp thông tin theo chủ đề gì. 

Ở bước này, bạn nên để ý tiêu đề của bảng/ sơ đồ. Đối với bảng, bạn nên hiểu được thông tin của từng cột, từng hàng là gì. Đối với sơ đồ quy trình, bạn nên hiểu được quy trình đó là quy trình gì, thông tin của các headings trong sơ đồ có nghĩa là gì.

2.3. Bước 3: Đánh dấu từ khóa trong bảng và xác định loại từ cần điền

Tiếp theo, bạn sẽ bắt đầu đọc kỹ nội dung trong bảng/ sơ đồ. Bạn sẽ đọc hiểu những thông tin đã có sẵn, thông tin ở xung quanh chỗ trống, rồi sau đó bạn gạch dưới/ highlight các từ khóa để làm cho quá trình tìm kiếm thông tin trong bài đọc dễ hơn.

Sau khi bạn đã đánh dấu xong từ khóa, thì bạn sẽ xác định loại từ cần điền bằng cách dựa vào những từ xung quanh chỗ trống đó. Việc biết trước rằng bạn sẽ phải điền danh từ hay động từ hay tính từ vào chỗ trống sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin trong bài đọc.

2.4. Bước 4: Skim bài đọc để hiểu ngữ cảnh và kiếm đoạn văn chứa đáp án dựa trên từ khóa đã gạch chân

Khi bạn đã hiểu được bảng/ sơ đồ nói về cái gì, cần tìm gì, thì bạn sẽ bắt đầu đọc lướt qua bài đọc. Bạn nên sử dụng kỹ thuật skimming để có thể hiểu được ý chính của từng đoạn và của toàn bộ bài đọc. Bạn có thể ghi chú lại chủ đề của từng đoạn văn kế bên đoạn đó để hỗ trợ bạn trong quá trình làm bài.

Tiếp theo, bạn sẽ sử dụng các từ khóa mà bạn đã đánh dấu ở trong bảng/ sơ đồ để kiếm đoạn văn có thông tin đáp án. Một lưu ý ở bước này là: với mỗi từ khóa bạn đã đánh dấu, bạn nên tìm ra một vài từ đồng nghĩa với nó, hoặc là cách diễn đạt khác, vì trong bài đọc chắc chắn sẽ sử dụng từ vựng và cấu trúc khác với trong bảng/ sơ đồ để diễn đạt cùng một ý.

2.5. Bước 5: Scan đoạn văn chứa đáp án dựa trên từ khóa để tìm câu trả lời

Tới bước này, chắc chắn bạn đã tìm được chính xác đoạn văn chứa thông tin đáp án rồi. Giờ bạn sẽ sử dụng từ khóa, và kỹ năng scanning để tìm đáp án.

2.6. Bước 6: Kiểm tra lại đáp án đã điền

Bước cuối cùng cho dạng bài này, cũng như là đa số các dạng bài completion khác, là bạn phải kiểm tra lại đáp án mà bạn đã điền. 

Trong bước này, bạn sẽ phải kiểm tra chính tả của đáp án bạn đã điền. Sai chính tả sẽ được tính là đáp án sai, và không được tính điểm.

Xem thêm:

3. Một số lưu ý khi làm dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading

Dưới đây, mình sẽ đưa ra các lưu ý khi bạn làm dạng bài Table/ Flowchart Completion trong bài thi IELTS Reading.

3.1. Bạn chỉ được phép sử dụng từ ngữ có trong bài đọc để điền vào chỗ trống

Trong đề bài, ngoài giới hạn số lượng từ bạn được phép điền ra, còn có một hướng dẫn cũng quan trọng không kém. Mình sẽ lấy lại ví dụ ở trên.

Choose NO MORE THAN TWO WORDS from the passage for each answer

Ở đây, bạn có thể thấy đề bài không sử dụng từ “write” (viết), mà sử dụng từ “choose” (chọn). Nghĩa là những từ bạn điền vào chỗ trống phải là những từ có trong bài đọc. Những từ bạn chọn để điền phải giữ nguyên cách đánh vần và thì như ở trong bài đọc.

Bạn không được sử dụng từ đồng nghĩa với từ có trong bài đọc và không được điền theo hiểu biết của bản thân. 

3.2. Đừng dành hết thời gian cho một dạng bài

Bài thi IELTS khuyên bạn dành 20 phút cho mỗi bài đọc. Nhưng trong một bài đọc không chỉ có một mình dạng bài Table/ Flowchart Completion mà còn có những dạng bài khác nữa. 

Do vậy, nếu bạn thấy bản thân bị kẹt ở một chỗ trống trong bảng/ sơ đồ, bạn hãy tiếp tục làm những câu tiếp theo, hoặc những dạng khác trong một bài đọc. Đừng dành hết 20 phút đó cho duy nhất một dạng bài nào trong bài đọc.

Ngoài ra, nếu bạn đã làm những dạng bài khác liên quan tới bài đọc trước khi bạn làm dạng bài Table/ Flowchart Completion, thì bạn có thể đã hiểu được bài đọc rõ hơn, và việc này sẽ giúp bạn hoàn thành bảng/ sơ đồ nhanh hơn. 

3.3. Chú ý tới các từ đồng nghĩa và paraphrasing

Cũng giống như IELTS Listening, bài thi IELTS Reading sẽ không sử dụng lại từ mà trong bảng/ sơ đồ đã sử dụng. Trong bài đọc chắc chắn sẽ diễn tả thông tin trong bảng/ sơ đồ, nhưng bằng từ ngữ hoặc cách diễn đạt khác. Do đó, bạn sẽ cần phải biết các từ đồng nghĩa của các từ khóa trong bảng/ sơ đồ, và cách diễn đạt khác của thông tin trong bảng/ sơ đồ.

4. Một số mẹo để bạn có thể làm tốt dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading

Ngoài những lưu ý trên, mình có một vài mẹo để bạn có thể ghi được điểm tối đa cho dạng bài này.

4.1. Đọc xung quanh từ khóa trong đoạn văn

Khi bạn đã nhận diện được đoạn văn có thông tin đáp án và từ khóa trong đoạn khớp ý nghĩa với từ khóa trong bảng/ sơ đồ, thì bạn nên đọc những chi tiết xung quanh từ khóa đó trong đoạn văn. Việc này là để bạn chắc chắn rằng bạn hiểu thông tin và chọn đúng từ trong đoạn để điền vào chỗ trống.

4.2. Mẹo cho kỹ năng skimming

Trong bài thi IELTS Reading, để bạn có thể skim bài đọc một cách hiệu quả là đọc đoạn đầu tiên và đoạn cuối cùng của bài đọc để có thể hiểu sơ qua chủ đề của bài đọc. Ngoài ra, bạn cũng có thể đọc những câu đầu tiên của từng đoạn để có thể hiểu sơ qua trước ý chính của từng đoạn. Những câu đầu đoạn này thường là những câu giới thiệu chủ đề của đoạn. 

Một lời khuyên khác cho kỹ năng skimming là: bạn chỉ nên bỏ ra tối đa 2 phút để skim bài đọc.

4.3. Đừng cố tìm kiếm từ giống nhau trong bảng/ sơ đồ và trong bài đọc

Bài thi IELTS Reading chắc chắn sẽ sử dụng paraphrasing với mục đích kiểm tra khả năng đọc hiểu của bạn. Vậy nên lời khuyên của mình ở đây là: bạn đừng mong chờ là bài đọc sẽ sử dụng y chang từ khóa mà bạn đã đánh dấu trong bảng/ sơ đồ. Thay vào đó, bạn hãy tìm kiếm nghĩa giống nhau. 

Từ ngữ được sử dụng trong bài đọc sẽ khác với trong bảng/ sơ đồ, nhưng nghĩa của thông tin thì không. 

5. Kết luận

Trong bài viết này, mình đã nói qua về dạng bài Table/ Flowchart Completion IELTS Reading, các bước làm bài, một số lưu ý khi làm bài và một vài mẹo để bạn có thể đạt điểm tối đa khi gặp dạng bài này lúc thi thật. Mình hy vọng là bạn thấy thông tin trong bài viết này hữu ích, và dễ hiểu. Nếu bạn còn thấy khó hiểu, thì mình sẽ tóm tắt lại như sau:

  • Table/ Flowchart Completion là dạng bài điền khuyết, yêu cầu bạn điền vào chỗ trống trong bảng hoặc sơ đồ quy trình.
  • Table và Flowchart chỉ khác nhau về mặt trình bày thông tin.
  • Cách làm dạng Table/ Flowchart Completion gồm các bước như sau:
    • Đọc kỹ đề
    • Hiểu bảng/ sơ đồ muốn nói cái gì
    • Hiểu bài đọc muốn nói cái gì
    • Tìm đoạn văn có đáp án
    • Tìm đáp án trong đoạn văn rồi điền y chang như vậy
    • Kiểm tra lại bài
  • Lưu ý khi làm dạng Table/ Flowchart Completion:
    • Đừng chế từ điền vào chỗ trống, chọn từ đã được sử dụng trong đoạn văn để điền
    • Đừng bỏ hết thời gian chỉ để đứng yên ở một bài
    • Chú ý từ đồng nghĩa và paraphrasing
  • Các mẹo để làm tốt dạng Table/ Flowchart Completion:
    • Đọc xung quanh từ khóa trong đoạn văn trước khi điền
    • Skim bài đọc hiệu quả bằng cách đọc đoạn đầu và cuối của bài đọc, và những câu đầu tiên của từng đoạn
    • Đừng cố gắng tìm từ ngữ giống nhau giữa câu hỏi và bài đọc, hãy tìm ý nghĩa giống nhau.

Ngoài ra, nếu bạn muốn biết thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Reading hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.

Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!

Tài liệu tham khảo:

  • IELTS Reading Table Completion with Tips & Practice Tests:
    https://ieltsmaterial.com/ielts-reading-table-completion/ – Truy cập ngày 24/09/2024
  • IELTS Academic Reading Table Completion:
    https://www.kanan.co/ielts/academic/reading/question-types/table-completion/#ielts-academic-reading-table-completion – Truy cập ngày 24/09/2024
  • IELTS Reading Table Completion Questions:
    https://www.ieltsjacky.com/ielts-reading-table-completion.html – Truy cập ngày 24/09/2024
  • IELTS Reading Table Completion:
    https://edubenchmark.com/blog/ielts-reading-table-completion-question/ – Truy cập ngày 24/09/2024

Leave a Comment