Khi làm bài IELTS Listening, bạn sẽ thường gặp dạng bài Table Completion. Dạng bài Table Completion IELTS Listening thường xuất hiện ở Part 1 và 2 trong bài thi (dạng này có xuất hiện trong part 3 nhưng không thường xuyên. Theo mình, cho dù xuất hiện ở part nào trong bài nghe, đây là dạng bài khá dễ. Tuy vậy, bạn không nên chủ quan, bạn sẽ cần phải nắm rõ về dạng bài này.
Trong bài viết này, mình sẽ nói về các chi tiết về dạng bài Table Completion trong IELTS Listening, các bước làm bài và một số lưu ý cho khi làm dạng bài này, để bạn có thể lấy được điểm tối đa cho Table Completion khi bạn làm bài thi IELTS Listening.
Nội dung quan trọng |
– Dạng bài Table Completion IELTS Listening thường xuất hiện ở Part 1 và 2 trong bài thi. – Dạng bài Table Completion là dạng bài thường gặp, không khó. – Cách xử lý dạng bài này bao gồm 5 bước: + Đọc kỹ hướng dẫn đề + Đọc qua các tiêu đề bảng, tiêu đề, và những thông tin có sẵn của hàng và cột + Đánh dấu từ khóa và dự đoán loại từ cần điền + Lắng nghe và điền vào chỗ trống một cách chính xác + Kiểm tra lại bài làm – Một số lưu ý khi làm dạng bài Table Completion IELTS Listening: + Không được viết quá số từ tối đa được điền + Không nên viết số dưới dạng chữ + Thứ tự câu trả lời + Nghe không được thì “lụi” |
Nội dung chính:
1. Table Completion IELTS Listening là gì?
Dạng bài Table Completion IELTS Listening là những dạng bài điền vào chỗ trống (còn gọi là dạng completion) yêu cầu thí sinh điền thông tin bị khuyết vào những chỗ trống trong một bảng cho trước.
Bảng này bao gồm tiêu đề bảng, một hoặc nhiều cột, và một hoặc nhiều dòng. Mỗi cột và dòng thường sẽ có tiêu đề. Tiêu đề của mỗi cột hoặc dòng đóng vai trò nhóm các thông tin liên quan với nhau hoặc có mối liên kết với tiêu đề của cột/ dòng.
Vì xuất hiện phần lớn ở Part 1 và 2 của bài thi IELTS Listening, (Table Completion vẫn có thể xuất hiện ở Part 3 và 4, nhưng khá hiếm), chủ đề của bảng sẽ thường là các chủ đề đời thường, ví dụ như đơn đặt hàng, đơn ghi danh, thời gian biểu của một bảo tàng, v.v.
Cho dù chủ đề có là gì đi nữa, mình tự tin rằng, nếu bạn có một hệ thống/ chiến lược làm bài vững chắc, bạn sẽ lấy được điểm tối đa cho dạng bài Table Completion.
2. Các bước làm dạng bài Table Completion IELTS Listening
Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, để có thể “xử đẹp” dạng bài Table Completion, có 5 bước sau đây:
2.1. Bước 1: Đọc kỹ hướng dẫn đề
Trước khi bạn làm gì trong bài thi, bước đầu tiên luôn luôn là đọc kỹ đề bài. Lý do là vì trong đề bài có quy định số lượng từ tối đa bạn được phép điền, nếu bạn không theo quy định này, câu trả lời của bạn sẽ không được tính điểm cho dù nó đúng. Bạn đừng để mất điểm oan uổng nha.
Thường quy định số từ tối đa được điền sẽ có dạng như sau:
Write NO MORE THAN [X] WORDS AND/OR A NUMBER for each answer. |
Chú thích: [X] tượng trưng cho số lượng từ được quy định, ví dụ như one, two, three, etc.
2.2. Bước 2: Đọc qua các tiêu đề bảng, tiêu đề và những thông tin có sẵn của hàng và cột
Trước khi audio bắt đầu chạy, bạn có một khoảng thời gian ngắn để đọc qua các câu hỏi. Để có thể tận dụng tốt khoảng thời gian này, điều đầu tiên bạn nên làm là đọc qua các tiêu đề của bảng, hàng và cột.
Tiêu đề của bảng sẽ giúp bạn biết các thông tin bạn đang cần điền có chủ đề là gì, từ đó giúp bạn thu hẹp lượng từ vựng bạn cần phải nghĩ tới.
Tiêu đề của hàng và cột, cũng như là những thông tin được cho sẵn sẽ giúp bạn dự đoán được thông tin mà bạn đang cần tìm vì các thông tin trong cùng một hàng, hoặc một cột sẽ thường liên quan tới nhau.
2.3. Bước 3: Đánh dấu từ khóa và dự đoán loại từ cần điền
Bước tiếp theo bạn cần làm trước khi bắt đầu nghe là đánh dấu từ khóa. Từ khóa trong dạng bài Table Completion thường là tiêu đề của cột, hàng, và trong những thông tin có sẵn.
Từ những từ khóa đã được gạch chân, bạn có thể dự đoán được loại từ bạn cần điền. Thông tin bạn cần điền có thể là một danh từ, tính từ, hoặc một con số, v.v.
2.4. Bước 4: Lắng nghe và điền vào chỗ trống một cách chính xác
Sau khi bạn đã hoàn thành 3 bước trên để chuẩn bị làm bài, giờ là lúc bạn lắng nghe kỹ, và điền thông tin vào chỗ trống.
2.5. Bước 5: Kiểm tra lại bài làm
Bước cuối cùng trước khi bạn kết thúc làm bài là kiểm tra lại những thông tin bạn đã điền vào chỗ trống. Bạn nên kiểm tra lại chính tả của thông tin đã điền, cũng như là tính phù hợp của thông tin đó ở chỗ trống đó. Ngoài ra, bạn cũng phải đối chiếu đáp án của bạn với yêu đề, xem đáp án bạn điền có vượt quá giới hạn từ của đề hay không.
Bước này giúp bạn không bị mất điểm một cách oan uổng vì những lý do rất nhỏ như là sai chính tả hay vượt giới hạn số từ được phép điền.
Xem thêm:
- Hướng dẫn làm dạng bài Sentence Completion IELTS Listening
- Hướng dẫn cách làm dạng bài Form Completion IELTS Listening
- Cách làm dạng bài Matching Information IELTS Listening
3. Một số lưu ý khi làm dạng bài Table Completion IELTS Listening
Khi bạn gặp Table Completion trong lúc ôn thi hoặc, hoặc lúc thi thật, bạn nên lưu ý những điều sau:
3.1. Không được viết quá số từ tối đa được điền
Đây là một lưu ý quan trọng. Như mình đã nhắc tới ở bước 1 trong 5 bước làm dạng bài Table Completion, bạn nhớ đọc kỹ đề bài để biết được số lượng từ tối đa mà đề cho phép bạn điền.
Việc vượt quá số từ tối đa sẽ tự động làm cho câu trả lời của bạn không có điểm, cho dù thông tin trong đáp án là câu trả lời đúng. Theo mình, mất điểm như vậy là một trong những cách mất điểm đau lòng khi làm bài thi IELTS Listening.
3.2. Không nên viết số dưới dạng chữ
Lúc làm bài Table Completion trong bài thi IELTS Listening, chắc chắn bạn sẽ gặp khá nhiều con số. Bạn không nên viết những con số này dưới dạng chữ vì 2 lý do sau:
- Bạn sẽ mất thời gian quý giá: Viết ra con số “22” chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều so với bạn viết chữ “twenty-two”. Đây là thời gian quý giá để bạn làm những việc khác có ích hơn.
- Bạn tăng khả năng sai chính tả trong đáp án: Mặc dù số trong tiếng Anh là một trong những kiến thức cơ bản lúc học tiếng Anh, trong lúc làm bài thi thật rất áp lực, và bạn rất có khả năng viết sai chính tả số dưới dạng chữ, dẫn tới việc mất điểm vô lý.
Vì 2 lý do trên, bạn có thể thấy rằng cái hại của việc viết số dưới dạng chữ nhiều hơn là cái lợi của nó, do đó, bạn không nên làm như vậy.
3.3. Thứ tự câu trả lời
Đoạn audio sẽ đọc các thông tin chứa đáp án theo thứ tự câu hỏi trong bảng, đi theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải trong bảng. Do đó, bạn không cần phải lo lắng về việc câu trả lời xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Bạn chỉ cần nghe kỹ và theo dõi người nói trong audio.
3.4. Để ý các distractors
Trong bài thi IELTS Listening, các thầy cô ở bộ phận soạn đề khá thích sử dụng distractors trong audio. Distractors được sử dụng với mục đích kiểm tra khả năng nắm bắt ý chính và khả năng theo dõi mạch nói trong audio của bạn.
Các distractors như “but”, “however”, “until”, “no”, etc. được sử dụng để thay đổi thông tin đã được đưa ra trước đó, tạo thành một cái “bẫy” chực chờ các bạn nóng vội điền đáp án rơi vào.
Nên là, bạn phải luyện tập để ý, nhận diện các distractors này, để không bị mất điểm nha.
3.5. Nghe không được thì “lụi”
Lưu ý cuối cùng mà mình có, là nếu bạn nghe không được chi tiết nào trong bảng, thì trước tiên, bạn cứ tiếp tục nghe và điền những câu sau. Sau khi bạn đã điền xong rồi, thì lúc này bạn mới quay lại câu mà bạn đã bỏ lỡ, dựa vào những thông tin đã có sẵn, những từ khóa bạn đã gạch chân, rồi “lụi” đi.
Việc bạn “lụi” như vậy tốt hơn rất nhiều so với việc bạn bỏ trống đáp án, vì bỏ trống đáp án chắc chắn bạn sẽ không có điểm, còn việc bạn “lụi” cho bạn một cơ hội câu bạn “lụi” đúng và bạn được tính điểm đó nha.
Tuy nhiên, mình không khuyên bạn “lụi” một cách vô cớ, bạn phải “lụi” dựa trên những thông tin xung quanh chỗ trống bạn cần điền. Nếu bạn chỉ “lụi” mà không dựa trên bất cứ thứ gì, thì nó cũng không khác gì bạn bỏ trống đáp án.
Xem thêm:
- Cách “ăn trọn” điểm dạng bài Multiple Choice IELTS Listening
- Hướng dẫn cách làm dạng bài Map Labeling IELTS Listening
- Cách xử lý dạng bài Short Answer Questions IELTS Listening
4. Kết luận
Sau khi đọc xong các chi tiết về dạng bài Table Completion IELTS Listening, các bước tiếp cận và xử lý dạng bài này, cũng như là một số lưu ý khi làm bài, mình hy vọng rằng bạn sẽ thấy những kiến thức này có ích cho việc ôn thi IELTS của bạn.
Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Listening hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.
Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!
Tài liệu tham khảo:
- IELTS Listening Sample: Table Completion:
https://www.ieltsjacky.com/ielts-listening-sample.html – Truy cập ngày 23/09/2024 - IELTS Listening Table Completion:
https://www.kanan.co/ielts/listening/table-completion/ – Truy cập ngày 23/09/2024