Cách làm dạng bài Matching Information IELTS Listening

Update on

Dạng bài Matching Information IELTS Listening thường được gặp ở section 2 và 3 trong bài thi IELTS Listening, tuy nhiên, dạng bài này là một trong những dạng bài khó trong phần thi IELTS Listening. Do đó, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về dạng bài này để không bị mất điểm. 

Để làm tốt dạng bài Matching Information, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về khái niệm của dạng bài cũng như là một số lỗi sai thường gặp khi làm bài.

Qua bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn các chi tiết về dạng bài Matching Information trong IELTS Listening, các bước làm bài, những lỗi thường gặp trong lúc làm bài, và một số mẹo giúp bạn đạt trọn điểm cho dạng bài này.

Nội dung quan trọng
– Dạng bài Matching Information là dạng bài khá phổ biến trong IELTS Listening, có thể xuất hiện ở part 2 hoặc 3 của bài thi.
– Dạng bài Matching Information khá khó vì bạn phải xử lý nhiều thông tin.
– Dạng bài Matching Information có 2 loại: loại Matching Information xuất hiện ở part 2, và loại Matching Information xuất hiện ở part 3.
– Khi làm dạng bài Matching Information, bạn cần phải đọc kỹ đề bài, phân tích các mối quan hệ giữa đề bài và câu hỏi, cũng như là giữa câu hỏi với lựa chọn đáp án. Sau đó bạn nghe kỹ và điền.
– Bạn nên để ý thứ tự của câu hỏi, suy nghĩ những từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác cho các lựa chọn đáp án, coi chừng các distractors, và nếu bạn bỏ lỡ một câu, hãy bình tĩnh làm tiếp.

1. Matching Information IELTS Listening là gì?

Matching Information là một trong những dạng bài xuất hiện khá phổ biến ở IELTS Listening Part 2 và Part 3. Trong dạng bài này, bạn sẽ được yêu cầu ghép thông tin trong 2 danh sách khác nhau. 

Hai danh sách này bao gồm:

  • Câu hỏi (được đánh số thứ tự)
  • Các lựa chọn trả lời (được xếp thứ tự theo chữ cái A, B, C, D, v.v)

2. Các dạng bài Matching Information trong IELTS Listening

Trong bài thi IELTS Listening, bạn sẽ gặp 2 dạng Matching Information như sau:

2.1. Dạng Matching Information xuất hiện ở Listening Part 2

Trong IELTS Listening Part 2, bạn sẽ thường gặp một đoạn độc thoại (một người nói) có chủ đề đời thường, thường thấy là thuyết minh về một khu vực, thuyết minh tour du lịch, hoặc về một đối tượng nào đó.

Do đó, dạng bài Matching Information xuất hiện ở Part 2 sẽ gồm hai danh sách thông tin, bao gồm

  • Danh sách câu hỏi là một danh sách các đối tượng khác nhau
  • Danh sách lựa chọn đáp án thường sẽ là các đặc trưng hoặc thông tin có liên quan tới các đối tượng ở danh sách câu hỏi.

Mình có ví dụ sau:

Ví dụ dạng Matching Information với chủ đề công sở thường xuất hiện ở IELTS Listening Part 2
Ví dụ dạng Matching Information với chủ đề công sở thường xuất hiện ở IELTS Listening Part 2

Từ ví dụ trên, bạn có thể thấy là có nhiều câu hỏi hơn đáp án, nên bạn lưu ý là sẽ có một số đáp án xuất hiện nhiều hơn một lần. Ngoài ra, còn có một số dạng bài có nhiều đáp án hơn câu hỏi. Trong những dạng đó, mỗi đáp án chỉ xuất hiện một lần duy nhất.

2.2. Dạng Matching Information xuất hiện ở Listening Part 3

Đối với IELTS Listening Part 3, bạn sẽ gặp một đoạn hội thoại giữa 2 người trở lên, nói về những chủ đề mang tính học thuật như là bàn luận về một bài thuyết trình giữa hai bạn sinh viên, hoặc là hai bạn sinh viên hỏi thầy/ cô về bài giảng hoặc bài nghiên cứu nào đó. 

Do đó, bài Matching Information xuất hiện ở Part 3 cũng sẽ có hai danh sách thông tin với nội dung như sau:

  • Danh sách câu hỏi bao gồm những yếu tố mang tính học thuật như các bài báo khoa học, bài nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật, lịch sử, hoặc là các phần khác nhau trong một bài thuyết trình.
  • Danh sách lựa chọn đáp án bao gồm những đặc trưng hoặc thông tin liên quan tới các đối tượng ở danh sách câu hỏi như là tên người thực hiện phần nào đó của bài thuyết trình, hoặc là các hành động sẽ thực hiện với từng tác phẩm.

Mình có ví dụ sau:

Ví dụ dạng Matching Information chủ đề học thuật thường xuất hiện ở IELTS Listening Part 3.
Ví dụ dạng Matching Information chủ đề học thuật thường xuất hiện ở IELTS Listening Part 3.

Trong ví dụ này, bạn có thể thấy dạng Matching Information này có nhiều đáp án hơn câu hỏi, do đó, sẽ không có đáp án lặp lại. Nếu bạn đã chắc chắn B là đáp án đúng cho câu hỏi số 26 rồi thì B sẽ không xuất hiện lại trong những câu hỏi sau nữa.

3. Các bước xử lý dạng bài Matching Information IELTS Listening

Dạng bài này theo kinh nghiệm của mình là một dạng bài khá khó, vì lượng thông tin được cung cấp cùng với thông tin mà bạn phải ghép nối là khá nhiều và có thể bạn sẽ thấy ngộp. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp cận và xử lý nó theo từng bước, thì bạn sẽ thấy dễ thở hơn.

Dưới đây, mình sẽ cung cấp cho bạn những bước mà mình sử dụng để xử lý dạng bài này.

Các bước xử lý dạng bài Matching Information IELTS Listening
Các bước xử lý dạng bài Matching Information IELTS Listening

3.1. Bước 1: Đọc kỹ đề, phân tích mối quan hệ giữa đề bài và các câu hỏi

Bạn sẽ cần phải đọc kỹ câu đề, và hiểu được mối quan hệ giữa câu đề đó với các câu hỏi mà bạn phải trả lời.

Mình sẽ lấy ví dụ từ hình ở phần 2.2.

Mình sẽ highlight những ý chính trong đề bài và những câu hỏi.

What decisions do the students make about each of the following parts of their presentation?

Decisions:
A. use visuals
B. keep it short
C. involve other students
D. check the information is accurate
E. provide a handout
F. focus on one example
G. do online research

Parts of the presentation

26. Historical background
27. Geographical factors
28. Past mistakes
29. Future risks
30. International implications

Trong phần này, ta có câu hỏi “What decisions do the students make about each of the following parts of their presentation?”, nghĩa là những sinh viên ra quyết định gì cho từng phần của bài thuyết trình. 

Sau đó, ở phía dưới ta có những phần của bài thuyết trình như là Historical backgroun, Geographical factors, v.v. 

Từ đó, bạn sẽ phải nghe xem những sinh viên này tính làm gì với phần Historical background, làm gì với phần Geographical factors, và tương tự với những yếu tố còn lại của bài thuyết trình trong đề này. 

3.2. Bước 2: Phân tích mối quan hệ giữa các câu hỏi và các đáp án

Ở bước này, sau khi bạn đã hiểu được mối quan hệ giữa đề bài và các câu hỏi, thì bạn sẽ tiếp tục tìm hiểu mối quan hệ giữa các câu hỏi và các lựa chọn đáp án.

Mình tiếp tục lấy ví dụ ở hình trong phần 2.2 và highlight các từ khóa trong đáp án và câu hỏi.

What decisions do the students make about each of the following parts of their presentation?

Decisions:
A. use visuals
B. keep it short
C. involve other students
D. check the information is accurate
E. provide a handout
F. focus on one example
G. do online research

Parts of the presentation

26. Historical background
27. Geographical factors
28. Past mistakes
29. Future risks
30. International implications

Sau khi bạn đã highlight những yếu tố trên, bạn sẽ tìm hiểu xem đối với phần “Historical background”, hai bạn sinh viên này sẽ “use visuals” (minh họa hình ảnh), “keep it short” (nói ngắn gọn), “involve other students” (hỏi/ mời những sinh viên khác), v.v. và tiếp tục với những câu hỏi tiếp theo.

3.3. Bước 3: Nghe kỹ và điền đáp án

Sau khi bạn đã phân tích được mối quan hệ giữa câu hỏi và đề, và mối quan hệ giữa câu hỏi và các lựa chọn đáp án, bạn sẽ cần nghe kỹ để tìm câu trả lời cho những câu hỏi mà bạn đã đặt ra trong hai bước trên và tiến hành nối thông tin.

4. Một số mẹo xử lý dạng bài Matching Information IELTS Listening

Ngoài những bước làm bài trên, mình có một số mẹo để bạn có thể làm dạng bài này dễ dàng hơn.

4.1. Để ý thứ tự của câu hỏi

Trong dạng bài Matching Information, các câu hỏi sẽ được nhắc tới theo thứ tự, tuy nhiên, những lựa chọn đáp án sẽ được nhắc tới một cách ngẫu nhiên.

Như vậy, trong ví dụ trên, người nói đầu tiên sẽ nói về yếu tố “Historical background”, sau đó tới “Geographical factors”, và theo thứ tự tới hết. Nhưng những lựa chọn đáp án A, B, C, D, v.v. sẽ xuất hiện không theo thứ tự, ngẫu nhiên.

4.2. Nhận biết những từ đồng nghĩa và paraphrasing

Những từ đồng nghĩa và paraphrasing sẽ được sử dụng rất nhiều trong đoạn audio. Những lựa chọn đáp án bạn thấy sẽ gần như chắc chắn bị paraphrase. Nhưng những câu hỏi, theo kinh nghiệm của mình, thường được giữ nguyên.

Do đó, một cách chuẩn bị tốt cho dạng bài này là suy nghĩ những từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt khác cho những lựa chọn đáp án.

Mình cũng lấy ví dụ ở phần 2.2

Khi các bạn sinh viên này xác định sẽ làm gì cho phần “Historical background”, các bạn sẽ không nói là “we should definitely use visuals for historical background”, các bạn có thể sẽ nói “I think we should include some graphs and charts for historical background” hoặc những cách diễn đạt nào đó khác. 

Tương tự như vậy với những lựa chọn đáp án và những câu hỏi tiếp theo.

4.3. Cẩn thận bị trúng bẫy distractors

Distractor là một từ hay cụm từ được sử dụng để thay đổi hoặc sửa sai thông tin được đưa ra trước đó. Nên là thông tin bạn nghe và nghĩ rằng nó là đáp án có thể không phải là đáp án. Và việc nóng vội ghi thông tin sai này vào sẽ khiến bạn mất điểm

Sau đây là một số câu ví dụ có chứa distractors. Mình sẽ gạch dưới và in đậm các distractors.

  • I’d like to study Aerodynamics but I don’t like the lecturer so I’m not going to take it.
  • I discounted Thermodynamics. However, a friend took it last year and loved it, so I’m seriously considering it as an option.

“But” và “however” là những distractor mà bạn sẽ thường gặp trong lúc làm bài thi IELTS Listening, nhưng chúng không phải là distractor duy nhất, ngoài ra còn có nhiều từ hoặc cụm từ khác được sử dụng để thay đổi thông tin. Bạn sẽ cần phải nghe kỹ để phát hiện chúng.

Cách xử lý tốt nhất, theo mình, là đánh dấu nháp đáp án A, B, C, hoặc D, E, v.v. kế bên câu hỏi khi bạn nghĩ rằng bạn đã nghe được đáp án. Tuy nhiên, bạn sẽ phải tiếp tục nghe để xác nhận xem đáp án bạn đánh dấu đã thực sự đúng hay chưa. Trong trường hợp bạn sai, hãy gạch bỏ chúng và tiếp tục nghe tới khi nào bạn thấy đáp án đúng. 

4.4. Giữ bình tĩnh và làm tiếp khi không nghe được đáp án

Cho dù bạn bỏ lỡ một câu hỏi vì lí do gì đó, bạn hãy tiếp tục nghe và làm những câu hỏi sau. Bạn phải giữ bình tĩnh và đừng tập trung vào câu mà bạn đã bỏ lỡ. Hãy tiếp tục làm để tránh mất điểm những câu còn lại. Câu mà bạn bỏ lỡ bạn có thể quay lại sau và đoán dựa trên những thông tin mà bạn đang có.

5. Kết luận

Qua bài viết trên, mình đã trình bày chi tiết cũng như mẹo cách làm dạng bài Matching Information IELTS Listening. Mình hy vọng là bài viết này đã giúp ích được cho bạn trong hành trình ôn luyện IELTS.

Mình tóm tắt lại những điểm chính trong bài để bạn có thể tham khảo:

  • Có hai dạng bài Matching Information trong IELTS Listening: Dạng xuất hiện ở Listening Part 2 và dạng xuất hiện ở Listening Part 3.
  • Có 3 bước làm bài: Đọc kỹ đề, phân tích mối quan hệ giữa đề bài và các câu hỏi => Phân tích mối quan hệ giữa các câu hỏi và các đáp án => Lắng nghe thật kỹ và chọn câu trả lời.
  • Khi làm bài, bạn nên để ý thứ tự của câu hỏi, đoán trước các từ đồng nghĩa hoặc cách diễn đạt các đáp án khác (paraphrasing), cẩn thận với các distractors, và đừng dừng lại ở một câu hỏi khi bạn chưa nghe được đáp án, hãy cứ bình tĩnh và làm tiếp.

Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Listening hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.

Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!

Tài liệu tham khảo:

IELTS Listening: Matching Questions: https://www.ieltsjacky.com/ielts-listening-matching.html – Truy cập ngày 17/09/2024

Leave a Comment