Dạng bài Map Labeling IELTS Listening thường được gặp ở section 2 bài thi IELTS Listening, tuy nhiên, dạng bài này là một trong những dạng bài khó trong phần thi IELTS Listening. Do đó, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về dạng bài này để không bị mất điểm.
Để làm tốt dạng bài Map Labeling, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về khái niệm của dạng bài có khả năng nghe tốt, cũng như là có khả năng nhận thức không gian và khả năng theo dõi chỉ dẫn của người nói.
Qua bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn các chi tiết về dạng bài Map Labeling trong IELTS Listening, các bước làm bài, những lỗi thường gặp trong lúc làm bài, và một số mẹo giúp bạn đạt trọn điểm cho dạng bài này.
Nội dung quan trọng |
– Map/ Plan Labeling là dạng bài thường xuất hiện ở Listening Part 2, là một trong những dạng bài khó. – Map và Plan có một số điểm khác nhau, nhưng cách làm giống nhau. – Những khả năng bạn cần có để làm tốt dạng Map Labeling là đa nhiệm, xác định phương hướng, thích ứng với những địa điểm/ kiến trúc lạ, và có kỹ năng nghe tốt. – Cách làm dạng bài Map/ Plan Labeling bao gồm 6 bước: Đọc kỹ hướng dẫn trong đề, nghiên cứu bản đồ/ sơ đồ và các lựa chọn đáp án, xác định điểm bắt đầu trong bản đồ, vẽ một đường đi từ điểm bắt đầu, rồi nghe và theo dõi người nói. – Một số từ vựng chỉ phương hướng. – Một số mẹo để làm tốt dạng Map/ Plan Labeling bao gồm: Làm quen với những đặc điểm bản đồ/ sơ đồ trong đề, chú ý tới thứ tự miêu tả, và giữ bình tĩnh. – Những lỗi thường gặp trong lúc làm Map/ Plan Labeling là: Lhông tận dụng được khoảng thời gian trước khi bắt đầu nghe, điền đáp án một cách vội vã, và hiểu sai phương hướng. |
1. Map Labeling IELTS Listening là gì?
Map/ Plan Labeling là dạng bài thường hay xuất hiện ở Listening Part 2. Đây là một trong những dạng bài khó, đòi hỏi bạn phải lựa chọn hoặc điền đáp án đúng vào chỗ trống trên một bản đồ/ sơ đồ.
Giữa Map và Plan có một số điểm khác biệt nhỏ, nhưng sự khác biệt này không có ảnh hưởng gì nhiều tới các bước làm bài của thí sinh. Tuy nhiên, nếu bạn có thể hiểu được bản chất của từng dạng bài, bạn sẽ có thể ghi được điểm tối đa trong bài thi.
1.1. Các loại Map Labeling
Như mình đã nêu ở trên, có hai loại Map Labeling, đó là Map (bản đồ) và Plan (sơ đồ). Điểm khác biệt giữa hai loại này là như sau:
Map (Bản đồ) | Plan (Sơ đồ) |
– Địa điểm: Không gian mở. – Trong một số trường hợp, thí sinh có thể được gợi ý tới việc sử dụng la bàn (compass) ở một góc trên bản đồ. – Tỷ lệ nhỏ, chủ yếu được sử dụng cho một khu vực lớn. | – Địa điểm: Không gian kín. – Không sử dụng tới la bàn. – Tỷ lệ lớn, được sử dụng cho một không gian nhỏ như một tòa nhà, căn nhà, một tầng. |
Mình có hình minh họa cho hai dạng bài này như sau:
1.2. Các hình thức Labeling
Dạng bài Map Labeling thường xuất hiện trong bài thi dưới hai hình thức chính
- Điền vào bản đồ/ sơ đồ một chữ cái thích hợp. Đây là dạng thường gặp nhất.
- Viết hoặc lựa chọn tên của của địa điểm vào một khung danh sách.
2. Những khả năng thí sinh cần có để làm tốt dạng bài Map Labeling
Dạng bài Map Labeling khó vì để có thể đạt được điểm tối đa cho dạng bài này, thí sinh cần phải có những kỹ năng sau:
- Đa nhiệm: Thí sinh cần phải nghe kỹ, theo dõi chỉ dẫn của người nói trên bản đồ/ sơ đồ, và điền vào chỗ trống gần như cùng lúc.
- Xác định phương hướng: Thí sinh cần phải có kiến thức về các phương hướng và từ vựng chỉ phương hướng trong tiếng Anh.
- Thích ứng với những kiến trúc/ địa điểm lạ: Đôi khi, trong dạng bài Map labeling, thí sinh sẽ gặp những bản đồ của các địa điểm hoặc sơ đồ của các kiến trúc mà thí sinh chưa từng gặp ở ngoài đời bao giờ. Điều này có thể dẫn tới việc thí sinh không tưởng tượng không gian trong bản đồ/ sơ đồ, từ đó dẫn tới khó khăn khi làm bài.
- Kỹ năng nghe tốt: Thí sinh cần phải có kỹ năng nghe tốt để nhận diện được thông tin chứa đáp án trong audio, vì trong dạng này, có một số trường hợp người nói đưa ra rất nhiều chi tiết cho một yếu tố trong bản đồ/ sơ đồ. Vì vậy, thí sinh có kỹ năng nghe tốt sẽ có thể lọc ra những chi tiết không cần thiết để đi tới đáp án mà không cảm thấy quá tải.
3. Cách làm dạng bài Map Labeling IELTS Listening
Cho dù bạn có gặp dạng Map, hay Plan, hay là Diagram đi nữa, các bước để làm các dạng này là như nhau.
3.1. Bước 1: Đọc kỹ hướng dẫn của đề bài
Trước khi bắt đầu nghe, bạn hãy đọc kỹ hướng dẫn của đề bài. Đề bài có thể yêu cầu bạn điền từ trực tiếp vào bản đồ/ sơ đồ, hoặc chọn đáp án A, B, C, D. Đối với yêu cầu điền từ trực tiếp vào bản đồ/ sơ đồ, đề sẽ quy định số từ tối đa mà bạn được phép điền. Do đó, bạn phải đọc kỹ để có thể điền một cách chính xác nhất.
3.2. Bước 2: Nghiên cứu bản đồ, sơ đồ và các lựa chọn đáp án trước khi nghe
Sau khi bạn đã đọc kỹ đề bài, bước tiếp theo bạn nên làm là xem kỹ bản đồ/ sơ đồ. Bạn nên đặc biệt chú các mốc và các địa điểm đã biết như là những landmarks, lối vào, lối ra, đường lớn, etc. Những điểm này có thể được sử dụng là điểm tham chiếu của bạn.
Thêm vào đó, bạn cũng nên nghiên cứu các lựa chọn đáp án, để bạn có thể biết được người nói đang nói tới đáp án nào ở chỗ nào trên bản đồ/ sơ đồ.
3.3. Bước 3: Xác định điểm bắt đầu trong bản đồ
Sau khi bạn đã biết được vị trí của những điểm tham chiếu trên bản đồ/ sơ đồ, việc tiếp theo là tìm được điểm bắt đầu. Điểm bắt đầu có thể được đánh dấu bằng chữ “X”, dòng chữ “You are here” cùng với mũi tên. Trong trường hợp trên bản đồ/ sơ đồ không có đánh dấu gì, bạn sẽ phải đặc biệt chú ý tới audio, vì người nói sẽ nêu ra điểm bắt đầu.
3.4. Bước 4: Vẽ một đường đi từ điểm bắt đầu
Từ điểm bắt đầu, bạn tưởng tượng đường đi tới những yếu tố cần được dán nhãn. Ví dụ, từ điểm bắt đầu, để đi tới điểm A, bạn sẽ cần phải đi thẳng, bỏ ngã tư đầu tiên, quẹo trái ở ngã tư thứ hai, điểm A nằm bên phải.
Trong lúc tưởng tượng, bạn nên nghĩ tới những cụm từ được sử dụng để chỉ phương hướng như là “head/ go straight” (đi thẳng), “turn left/ right” (quẹo trái/ phải), “intersection” (ngã ba/ ngã tư), etc.
Bạn tiếp tục làm như vậy cho những yếu tố cần dán nhãn còn lại.
Sau khi bạn đã làm xong những bước trên, bạn sẽ không phải vừa nghe vừa nhìn một cách gấp gáp, hoảng loạn để tìm ra điểm mà audio đang nói tới.
3.5. Bước 5: Nghe và theo dõi chỉ dẫn của người nói
Sau khi bạn đã chuẩn bị theo bước 1 tới 5, thì giờ bạn cần phải nghe thật kỹ, theo dõi chỉ dẫn của người nói, và điền đáp án.
Xem thêm:
- Hướng dẫn cách làm dạng bài Form Completion IELTS Listening
- Cách làm dạng bài Matching Information IELTS Listening
- Cách “ăn trọn” điểm dạng bài Multiple Choice IELTS Listening
4. Một số từ vựng chỉ phương hướng thường gặp.
Trong các đoạn audio của dạng bài này, bạn sẽ thường gặp những từ/ cụm từ chỉ phương hướng sau đây:
Từ vựng | Dịch nghĩa |
Go straight | Đi thẳng |
Leave the main building | Rời khỏi tòa nhà chính |
Take the right-hand path | Đi theo con đường bên tay phải |
Take the first left/ right | Quẹo trái/ phải ở giao lộ đầu tiên |
Cross the bridge | Băng qua cầu |
Go upstairs/ downstair | Lên/ xuống lầu |
Run through | Chạy xuyên qua |
At the crossroads | Ở ngã tư |
On the corner | Trong góc |
At the top/ bottom of | Phía trên/dưới của |
Behind | Đằng sau |
At the back of | Ở đằng sau của… |
Before you get/ come to | Trước khi bạn tới… |
In the middle/ center of… | Ở giữa/ trung tâm của |
To be surrounded by… | Được bao quanh bởi… |
At the end of the path/ road | Ở cuối con đường |
East/ West/ South/ North | Đông/ Tây/ Nam/ Bắc |
Ngoài ra, còn có một số từ/ cụm từ chỉ địa điểm như sau:
Từ vựng | Dịch nghĩa |
Auditorium | Thính phòng |
National park | Công viên quốc gia |
Maze | Mê cung |
Car park | Bãi đậu xe |
Picnic area | Khu vực dã ngoại |
Wildlife area | Khu vực động vật hoang dã |
Bird hide | Khu vực ngắm các loài chim |
Corridor | Hành lang |
Foyer | Tiền sảnh |
Basement | Tầng hầm |
The main road | Lộ chính |
The railway line | Đường ray |
Roundabout | Bùng binh, vòng xoay |
Traffic lights | Đèn xanh đèn đỏ |
Cloakroom | Phòng giữ hành lý |
5. Một số mẹo để làm tốt dạng bài Map Labeling
Để có thể làm tốt dạng bài Map Labeling, mình có một số mẹo sau cho bạn:
Làm quen với những đặc điểm của bản đồ/ sơ đồ thường gặp trong đề.
Những đặc điểm này có thể là lối vào/ ra, đường xá, những cột mốc như công viên, cầu, bùng binh, etc.
Chú ý tới thứ tự miêu tả
Người nói thường miêu tả những đặc điểm trên bản đồ/ sơ đồ theo một thứ tự cụ thể. Bạn nên chú ý nghe những từ như “first”, “next”, “finally” để theo dõi được đường đi mà người nói đang nói tới.
Giữ bình tĩnh
Bạn có thể sẽ cảm thấy hoảng khi bạn không bắt được một chi tiết nào đó trong audio. Tuy nhiên, bạn càng hoảng bạn sẽ càng bị lạc trên bản đồ, vì audio không dừng đợi bạn hết hoảng hay là quay lại cho bạn nghe được chi tiết bạn bỏ lỡ. Việc tốt nhất bạn nên làm là giữ bình tĩnh, nghe tiếp, rồi quay lại chi tiết đó sau.
6. Những lỗi thường gặp trong lúc làm bài Map Labeling
Theo kinh nghiệm của mình, những lỗi sau là những lỗi thường gặp lúc làm dạng bài Map Labeling
6.1. Không tận dụng được khoảng thời gian trước khi bắt đầu nghe
Một trong những lỗi mà mình thường thấy thí sinh mắc phải là không tận dụng được khoảng thời gian trống trước lúc bài nghe bắt đầu để nghiên cứu bản đồ/ sơ đồ. Bạn nên cố gắng sử dụng khoảng thời gian này một cách hiệu quả nhất, và cách hiệu quả nhất, theo mình, là nghiên cứu kỹ lưỡng biểu đồ và các lựa chọn đáp án.
6.2. Điền đáp án một cách vội vàng
Có một số trường hợp thí sinh điền đáp án quá nhanh trong khi chưa nghe hết miêu tả cho đáp án đó. Theo mình, bạn nên đợi tới khi audio miêu tả xong đáp án đó rồi mới điền, để chắc chắn là bạn không bị rơi vào bẫy.
6.3. Hiểu sai các phương hướng
Việc hiểu sai các phương hướng có thể bắt nguồn từ việc bạn không nắm các từ vựng chỉ phương hướng, hoặc khả năng nhận diện phương hướng của bạn yếu.
Để không bị mắc lỗi này, mình nghĩ là bạn nên bổ sung thêm từ vựng tiếng Anh liên quan tới phương hướng, và trong lúc luyện tập bằng dạng bài map labeling, bạn có thể để tay hoặc con chuột lên bản đồ/ sơ đồ và di chuyển theo lời của người nói.
7. Kết luận
Để có thể làm tốt dạng bài Map Labeling IELTS Listening, bạn cần phải có kỹ năng nghe tốt, cũng như là khả năng nhận diện phương hướng và quen với các từ vựng chỉ phương hướng. Qua bài viết này, mình hy vọng là bạn có thể nắm được format của dạng, biết cách xử lý cũng như là tránh những lỗi thường gặp ở dạng bài này để lấy được điểm tối đa.
Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Listening hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.
Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!
Tài liệu tham khảo:
IELTS Listening Map LabelingLabelling Practice:
https://www.ieltsbuddy.com/ielts-listening-map-labelling.html – truy cập ngày 19/09/2024