Dạng bài Form Completion IELTS Listening thường được gặp ở section 1 trong bài thi IELTS Listening, do đó, dạng bài này thường khá dễ. Tuy nhiên, nếu bạn không hiểu rõ về dạng bài này, bạn sẽ bị mất điểm và không đạt được số điểm tối đa trong bài thi.
Để làm tốt dạng bài Form Completion, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về khái niệm của dạng bài cũng như là một số lỗi sai thường gặp khi làm bài.
Qua bài viết này, mình sẽ cung cấp cho bạn các chi tiết về dạng bài Form Completion IELTS Listening, các bước làm bài, những lỗi thường gặp trong lúc làm bài, và một số mẹo giúp bạn đạt trọn điểm cho dạng bài này.
Nội dung quan trọng |
– Dạng bài Form Completion là dạng bài có độ phổ biến cao trong IELTS Listening và thường gặp ở section 1 hoặc 2 trong bài thi. – Các loại Form (biểu mẫu) thường gặp trong IELTS Listening là phiếu đăng ký/ ghi danh, phiếu thông tin cá nhân, ghi chú cuộc họp, và các tài liệu khác có chủ đề cuộc sống hằng ngày. – Các thông tin cần điền trong Form Completion bao gồm: tên riêng, quốc tịch, địa chỉ, số điện thoại, ngày tháng, số tiền, và một số thông tin khác. – Khi làm bài, bạn cần đọc kỹ yêu cầu đề bài, đọc kỹ câu hỏi và xác định từ khóa, rồi lắng nghe thật kỹ để điền vào chỗ trống. – Những lỗi thường gặp bao gồm: không đọc kỹ yêu cầu đề, sai chính tả, rơi vào thông tin bẫy, và nghe không kịp. – Một số mẹo giúp bạn cải thiện kỹ năng làm dạng Form Completion. |
1. Tổng quan về dạng bài Form Completion trong bài thi IELTS Listening
Dạng Form Completion là dạng bài có độ phổ biến cao trong các bài thi IELTS Listening và theo trải nghiệm của mình thì dạng bài này là một trong những dạng bài dễ trong bài thi Listening. Form Completion thường xuất hiện ở section 1 hoặc section 2 trong bài thi IELTS Listening.
1.1. Form completion IELTS Listening là gì?
Form Completion (Hoàn thành biểu mẫu) là dạng bài điền vào chỗ trống, yêu cầu thí sinh phải nghe một bài nói hoặc một đoạn hội thoại giữa 2 người và điền thông tin còn thiếu vào một form (biểu mẫu).
Các loại form thường gặp trong bài thi IELTS Listening là phiếu đăng ký/ghi danh, phiếu thông tin cá nhân để khảo sát, ghi chú cuộc họp, và các tài liệu khác liên quan tới cuộc sống hằng ngày.
Do các form đều có chủ đề chung là những chủ đề thường nhật, nên các đoạn audio cho các form này cũng sẽ có các chủ đề về đời sống thường ngày như một bạn sinh viên tới một tổ chức nào đó để ghi danh, hay một nhân viên khảo sát trò chuyện với một người đi đường để lấy thông tin cá nhân.
1.2. Các loại thông tin cần điền
Đối với dạng bài Form Completion trong bài thi Listening, bạn sẽ cần phải điền những loại thông tin sau:
- Tên riêng: Thông thường trong audio khi người nói nói tên của họ ra, cái tên đó sẽ có một cái họ khá hiếm gặp. Nhưng bạn đừng lo, thường người nói sẽ đánh vần cái họ đó ra nên bạn chỉ cần nghe kỹ khi họ đánh vần là điền được.
- Quốc tịch: Đối với một số form có yếu tố du lịch, bạn sẽ được yêu cầu điền quốc tịch của người nói. Bạn có thể tham khảo thêm về các danh từ chỉ quốc tịch tại đây:
- Địa chỉ: Địa chỉ bao gồm một số, một tên đường, và một tên thành phố. Tùy vô yêu cầu đề bài mà bạn sẽ chỉ cần điền từ một tới hai trong các yếu tố trên. Khi điền địa chỉ cũng có khả năng bạn sẽ gặp một số tên địa danh hơi khó nghe, nhưng bạn cũng đừng lo quá, nếu tên địa danh khó nghe hoặc dễ gây nhầm lẫn thì cái tên đó cũng sẽ được đánh vần.
- Số điện thoại: Số điện thoại sẽ là một dãy số, theo mình thì dãy số này có từ 6 số trở lên nên bạn sẽ cần phải tập trung khi nghe. Một lưu ý khi bạn nghe số điện thoại là những số lặp lại trên 2 lần sẽ được đọc là “double/ triple n”, ví dụ “double seven” hoặc “triple zero”, chứ không đọc từng số riêng lẻ.
- Ngày tháng: Ngày tháng sẽ thường bao gồm một số (ngày) và một từ (tháng). Có một số trường hợp người nói sẽ đọc số thứ tự, ví dụ “the 16th of April”. Cách phát âm số thứ tự sẽ khác với số đếm nên bạn cần chú ý phần này. Tùy vô yêu cầu đề bài mà trong form sẽ cho sẵn phần ngày hoặc phần tháng.
- Giá cả hoặc số tiền: Đối với loại thông tin này, thường đề sẽ cho sẵn đơn vị tiền tệ, ví dụ như bảng Anh là “£” hoặc đô la Mỹ “$” và bạn chỉ cần điền một con số.
- Một số thông tin khác: Những thông tin này có thể là ghi chú thêm về một người nào đó, hoặc thông tin thêm của một sự kiện. Ở phần này, bạn cần lưu ý là bạn phải điền ngắn gọn thông tin bạn nghe trong audio, tùy theo yêu cầu về số lượng từ/ số được phép điền.
1.3. Ví dụ một bài dạng Form Completion trong IELTS Listening
Sau đây, mình sẽ cho bạn một ví dụ về một bài dạng Form Completion trong bài thi IELTS Listening.
2. Cách làm dạng bài Form Completion IELTS Listening
Tuy rằng dạng bài Form Completion là một trong những dạng bài dễ trong bài thi Listening, nhưng nếu bạn không hiểu rõ cách xử lý dạng bài này thì bạn sẽ bị mất điểm rất oan uổng ở phần này. Sau đây mình sẽ cung cấp cho bạn các bước xử lý dạng bài này để bạn có thể ăn trọn điểm cho dạng bài này.
2.1. Bước 1: Đọc kỹ đề bài và xác định số lượng từ/số cần điền
Đề bài của dạng form completion thường có yêu cầu như sau: “Write ONE WORD AND/OR A NUMBER for each answer”, nghĩa là bạn chỉ được điền một từ và/ hoặc một số vô chỗ trống. Một số đề khác có thể sẽ có dạng “Write NO MORE THAN TWO WORDS AND/OR A NUMBER” hoặc “NO MORE THAN THREE WORDS AND/OR A NUMBER”. Bất kể yêu cầu như thế nào, đề cho phép bạn điền bao nhiêu từ thì bạn điền bấy nhiêu hoặc ít hơn.
2.2. Bước 2: Đọc kỹ các câu hỏi, xác định từ khóa và dự đoán loại từ cần điền
Trước khi làm bài, bạn thường có một khoảng thời gian ngắn (khoảng 30 giây) để đọc đề. Bạn cần phải tận dụng thời gian này để đọc qua toàn bộ biểu mẫu và đọc kỹ những câu hỏi.
Khi bạn đọc câu hỏi, bạn phải chú ý và đánh dấu những từ khóa có thể giúp bạn dự đoán được đáp án, hoặc chứa những gợi ý để điền đáp án. Bạn sẽ cần phải dự đoán được loại từ cần điền để có thể điền vào chỗ trống một cách chính xác khi nghe. Mình có một ví dụ sau:
Mình sẽ ví dụ mạch xác định từ khóa và dự đoán loại từ cần điền cho câu 1 và 2 như sau:
- Contact phone: (1)……
Ở câu 1, mình thấy trước chỗ trống có danh từ “contact phone”, nghĩa là số điện thoại liên lạc. Từ đây mình có thể suy ra được đề yêu cầu điền một dãy số điện thoại. Từ đó mình sẽ chuẩn bị tập trung nghe và điền một dãy số. - Date of birth: (2)……
Ở câu 2, mình thấy trước chỗ trống có cụm danh từ “date of birth”, nghĩa là ngày tháng năm sinh, và sau chỗ trống có con số “1992”, mình có thể đoán đây là năm sinh, vậy thì mình chỉ cần điền một ngày và một tháng.
Bạn có thể sử dụng mạch làm bài của mình để áp dụng cho những câu tiếp theo.
2.3. Bước 3: Lắng nghe thật kỹ, điền vào chỗ trống
Sau khi bạn đã xác định được loại từ cần điền, và bạn dự đoán được thông tin cần điền từ các từ khóa, bạn sẽ cần phải lắng nghe audio và điền vào chỗ trống. Nếu bạn hiểu đúng các từ khóa và dự đoán đúng hoặc gần đúng thông tin cần điền, bước này sẽ khá dễ.
3. Những lỗi thường gặp khi làm các bài dạng Form Completion trong IELTS Listening
Trong quá trình mình ôn thi IELTS, cũng như mình kèm cặp học viên đi thi, mình có để ý một số các lỗi phổ biến sau:
3.1. Không đọc kỹ yêu cầu đề
Đây là một trong những lỗi sai thường gặp nhất, và cũng là lỗi sai đáng tiếc nhất mà mình từng thấy. Yêu cầu đề ở đây là yêu cầu về số lượng từ/ số tối đa mà bạn được phép điền vào chỗ trống. Và lỗi sai nhiều nhất ở phần này mà mình từng chứng kiến là các học viên của mình điền lố số lượng từ được cho phép, dẫn tới việc mất điểm oan uổng.
Để tránh phạm phải lỗi này, mình có lời khuyên là khi bạn đọc đề, cái đầu tiên bạn cần đọc là yêu cầu đề, cái dòng “write ONE WORD AND/OR A NUMBER” hoặc tương tự, từ đó xác định số lượng từ cần điền.
3.2. Sai chính tả
Lỗi sai chính tả cũng là một lỗi sai thường gặp trong lúc làm dạng Form Completion. Lỗi sai này theo kinh nghiệm cá nhân của mình bắt nguồn từ việc không nghe được các đuôi -s hoặc -d của từ, hoặc không đoán được loại từ cần điền.
Để tránh mắc lỗi này, lời khuyên của mình là luyện tập nghe nhiều hơn, đặc biệt chú ý loại từ, ví dụ như danh từ số ít/ nhiều, động từ ở ngôi nào, tính từ có phải là dạng quá khứ phân từ đóng vai trò tính từ hay không.
3.3. Rơi vào thông tin bẫy
Lỗi sai này theo mình là bắt nguồn từ việc bạn nghe và điền thông tin sai. Vì bản chất của audio cho bài Form Completion là từ một đoạn hội thoại hằng ngày, nên thông tin người nói đưa ra có thể sai lúc đầu, và sau đó người nói sẽ sửa lại bằng cách đưa ra thông tin đúng.
Để không bị rơi vào bẫy thông tin, mình khuyên bạn nên chú ý những từ như sau: yet, however, but, etc. Những từ này thường được sử dụng để phủ định vế trước, nghĩa là làm cho thông tin đã được nói ra trước những từ này sai.
Ví dụ đề bài yêu cầu bạn điền thông tin về năm mà người nói dự định nhập cư, thì audio có thể nói như sau:
- “I had plans to immigrate to the U.S in 2024, but because I still have some things I need to take care of at home, I decided 2026 would be better. “
- Đáp án đúng cho câu này là “2026”, không phải là “2024” vì người nói đã có dự định đi vào năm 2024 nhưng vì có một số chuyện cần xử lý ở nhà nên đã dời lại năm 2026.
Ngoài ra, bạn cũng nên nghe hết và đầy đủ câu trước khi điền, không nên vội viết đáp án khi mới nghe từ khóa đầu tiên và chú ý những từ nối chỉ sự đối lập trên.
3.4. Nghe không kịp
Lỗi sai này đơn giản là vì bạn chưa quen nghe tiếng Anh. Việc này dẫn tới việc bạn bị quá tải khi nghe, và từ đó nghe không kịp. Một nguyên nhân khác dẫn tới việc bạn mắc lỗi sai này là bạn quá tập trung vào chỗ trống trước bạn chưa điền được mà quên rằng còn nhiều chỗ trống khác bạn cần nghe và điền.
Để không mắc lỗi sai này, theo mình thì bạn cần nghe và luyện tập nhiều hơn để làm quen với format đề và audio của bài thi IELTS Listening.
4. Một số mẹo nhỏ giúp bạn cải thiện kỹ năng làm dạng Form Completion IELTS Listening
Để có thể lấy trọn điểm cho dạng bài Form Completion, mình có một số mẹo sau.
4.1. Luyện nghe thường xuyên (bản tin, podcast, hội thoại đời thường)
Việc nghe những bản tin, podcast, hay những cuộc hội thoại có chủ đề thường ngày bằng tiếng Anh một cách thường xuyên sẽ giúp bạn làm quen với bài nghe trong IELTS Listening section 1, từ đó bạn sẽ làm dạng Form Completion tốt hơn.
Ngoài ra, việc luyện nghe này cũng sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng nghe nói chung vì nó tạo cơ hội cho bạn tiếp xúc nhiều hơn với văn nói tiếng Anh, từ đó bạn sẽ quen hơn với việc nghe bằng tiếng Anh. Khi bạn đã quen nghe bằng tiếng Anh rồi thì bạn sẽ có thể làm bài IELTS Listening dễ dàng hơn và chính xác hơn.
Những nguồn uy tín để bạn có thể luyện nghe bao gồm những kênh YouTube như Kurzgesagt – In a Nutshell, TEDx, Discovery, National Geographic, etc. hoặc những báo đài tiếng Anh như BBC, ABC, Fox, etc. Theo kinh nghiệm cá nhân của mình, đây là những kênh rất tốt và uy tín để bạn luyện nghe tiếng Anh với nhiều chủ đề đa dạng.
4.2. Ghi chú nhanh khi luyện nghe
Một mẹo khác mà mình thấy khá hiệu quả là bạn ghi nháp khi nghe. Việc này sẽ giúp bạn làm quen với tiếp nhận thông tin nhanh, là một kỹ năng cần thiết khi làm bài thi Listening.
Để luyện tập ghi nháp khi nghe, bạn có thể sử dụng những kênh mình đã kể ở trên, chọn một chủ đề, và ghi chú những thông tin quan trọng khi bạn nghe với mục đích là hiểu được thông tin chính của chủ đề.
5. Kết luận
Vừa qua mình đã chia sẻ thông tin về dạng Form Completion IELTS Listening, cách “xử lý gọn” dạng bài này để “ăn trọn” điểm, một số lỗi bạn cần tránh, cũng như là một số mẹo để làm dạng bài này. Mình hy vọng rằng bài viết này đã giúp các bạn có được những kiến thức bổ ích để “chinh phục” được dạng bài này.
Ngoài ra, nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về các dạng bài trong bài thi IELTS Listening hay các bài thi kỹ năng IELTS khác, bạn có thể truy cập chuyên mục IELTS của Study Moore để đón đọc những bài tương tự.
Chúc các bạn luyện thi IELTS tốt và hẹn gặp lại các bạn ở những bài tiếp theo!